Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Công thương đã có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc từ 2,49 – 35,58%.
Trước đó, thị trường nhôm Việt đã chứng kiến sự đổi chiều trong cán cân thị phần khi cơn lốc nhôm Trung Quốc ào vào Việt Nam. Với giá rẻ song tiêu chuẩn chất lượng chưa rõ ràng, nhôm Trung Quốc đã tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp sản xuất nhôm nội.
Trong bối cảnh đó, phía doanh nghiệp nhôm nội đề xuất các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để ngăn chặn hàng nhôm nhập khẩu từ nước ngoài như áp thuế, điều tra chống bán phá giá hoặc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhằm bảo vệ thị phần của nhôm nội.
Vào tháng 1/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình xuất xứ từ Trung Quốc mức thuế chống bán phá giá với nhôm nhập từ Trung Quốc được đề nghị áp dụng là 35,58%. Và đến nay, Quyết định áp dụng biện pháp chống phá giá đã có hiệu lực.
Xung quanh vấn đề này, bên phía Reatimes có cuộc trò chuyện với ông Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Austdoor, Phó Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam.
– Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã có thông báo về việc áp dụng chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, với mức thuế chống bán phá giá lên tới 35,58%. Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, nhận định của ông thế nào về thông báo này?
Ông Dương Quốc Tuấn: Trong khoảng 4 năm trở lại đây, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã dựng nên những rào cản thương mại giữa hai nước này và tạo ra một lượng hàng lớn tồn đọng ở thị trường Trung Quốc. Trong đó, mặt hàng nhôm đùn ép của Trung Quốc cũng có một lượng dư cung rất lớn.
Lượng nhôm này đang được ồ ạt đưa vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ hoặc chờ thời cơ xuất sang nước thứ 3 với mức giá dưới giá thành sản xuất của nhôm Việt Nam. Việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước.
Sau khi xem xét hồ sơ kiến nghị của các đơn vị thành viên Hội nhôm thanh định hình Việt Nam, Bộ Công Thương đã điều tra và quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế từ 2,49% – 35,58% (tại Quyết định số 2942/QĐ-BCT ngày 28/9/2019).
Vì vậy, với tư cách là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những nhà sản xuất nhôm nội, chúng tôi nhận định đây là một quyết định có ý nghĩa và tác động rất lớn đối với thị trường nhôm Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Điều này thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ đối với các doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng như sự ổn định của thị trường trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng. Đây cũng là biện pháp ngăn chặn cần thiết đối với sản phẩm nhôm Trung Quốc đang tìm cách lẩn tránh thuế qua Việt Nam.
– Quyết định chống bán phá giá với sản phẩm nhôm có xuất xứ Trung Quốc sẽ tác động thế nào đến thị trường nhôm Việt và các doanh nghiệp nhôm Việt, thưa ông?
Ông Dương Quốc Tuấn: Quyết định này được các nhà sản xuất nhôm trong nước nói chung và toàn thể Hội viên Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam nói riêng đón nhận một cách tích cực.
Quyết định này của Bộ Công Thương đã tạo môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng trên thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của những doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước. Quyết định này còn giảm bớt sức ép trước các động thái cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm nhôm Trung Quốc trong suốt thời gian qua.
Đồng thời, những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng đang bán phá giá sẽ bị ngăn chặn với mức thuế chống bán phá giá chính thức khá cao này.
– Quay trở lại với câu chuyện của thị trường nhôm Việt, có ý kiến cho rằng, những năm trước đây và có lẽ ở thời điểm hiện tại, hệ nhôm nội vẫn còn đang “chật vật” khẳng định vị thế của mình. Quan điểm của ông thì sao?
Ông Dương Quốc Tuấn: Ngành công nghiệp nhôm Việt Nam bắt đầu hình thành từ năm 1994. Theo số liệu thống kê: Năm 1995, tổng sản lượng tiêu thụ nhôm toàn quốc khoảng 50.000 tấn/năm, trong đó sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 1/2 tổng sản lượng tiêu thụ, phần còn lại là nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2018, con số này đã nâng lên là 850.000 tấn/năm, tăng 17 lần sau 13 năm.
Thị trường nhôm và các sản phẩm từ nhôm đang phát triển rất sôi động, do các tính năng của nhôm phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng hiện nay.
Trong giai đoạn 2005 – 2017, các nhà sản xuất trong nước đã mạnh dạn đầu tư vào các khâu sản xuất: Đùn, ép nhôm, sơn phủ, xi mạ, đánh bóng bề mặt.
Năm 2017, ngành nhôm trong nước đã sản xuất được gần 80% nhu cầu nhôm trên thị trường. Việc chủ động sản xuất giúp giảm dần sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu từ bên ngoài, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng thị trường xuất khẩu.
Từ năm 2018 đến nay, trước sự tấn công mạnh mẽ của các sản phẩm nhôm giá rẻ từ Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp nhôm Việt Nam bị mất đi thị phần trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc Mỹ áp thuế suất chống lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam lên tới 374,15%, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhôm chân chính của Việt Nam cả về lợi nhuận lẫn uy tín trong khi các công ty này vốn đã phải chịu sức ép cạnh tranh của nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, bằng những giải pháp cụ thể, được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Hiệp hội nhôm Việt Nam tin rằng trong thời gian tới, thị trường nhôm sẽ ổn định, các doanh nghiệp sản xuất nhôm uy tín sẽ khởi sắc trở lại, lấy lại được thị phần trong nước.
– Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của nhôm Việt trong bối cảnh hội nhập như hiện nay?
Ông Dương Quốc Tuấn: Nền kinh tế thị trường phát triển đem đến cho ngành nhôm Việt Nam nhiều cơ hội và cả thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng. Có thể thấy, nhu cầu của thị trường về nhôm là rất lớn.
Chúng ta có 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) phủ gần như tất cả các thị trường quan trọng nhất trên thế giới, trừ Hoa Kỳ. Đây là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp nhôm Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế với các mức thuế suất thấp. Chỉ cần các doanh nghiệp Việt Nam nắm vững quy tắc xuất xứ, làm chủ công nghệ, chuỗi sản xuất thì sẽ thuận lợi cho chúng ta xuất khẩu vào các thị trường khó tính nhất như EU.
Bên cạnh đó, ngành nhôm đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời của Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Cơ hội lớn trước mắt nhưng cũng đầy rẫy những khó khăn thách thức đang chờ đợi ngành nhôm Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang tác động rất xấu tới thị trường nhôm Việt Nam và khu vực.
Mỹ và EU ra quyết định áp thuế lên các mặt hàng Trung Quốc, trong đó có nhôm ở mức từ 96,3% – 176,2% dẫn tới lượng hàng tồn kho của Trung Quốc bắt đầu ồ ạt tìm cách tràn sang các nước lân cận bằng cách bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Đây hiện là áp lực lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhôm Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc nhôm Việt Nam đang có nguy cơ trở thành đối tượng bị điều tra và phải chịu áp thuế chống bán phá giá của các thị trường Mỹ – Úc – EU khiến cho hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, gây thiệt hại nặng nề cho các nhà sản xuất nhôm chân chính.
Tôi cho rằng, sự ra đời của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam trong năm 2019 là rất kịp thời, mang ý nghĩa chiến lược, thể hiện sự đoàn kết của những nhà sản xuất nhôm chân chính Việt Nam chung tay đồng lòng vượt qua những thách thức mà ngành nhôm Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối đầu.
Hội với vai trò đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp ngành nhôm Việt; là cầu nối giữa các nhà sản xuất với Đảng, Nhà nước và Chính phủ; giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điểm tựa về mặt pháp lý để chống lại cuộc cạnh tranh không lành mạnh của nhôm thanh định hình của Trung Quốc vào Việt Nam. Đây được coi là một tin vui và mở ra những hy vọng mới cho ngành nhôm trong nước.
– Đâu là giải pháp để nhôm Việt khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong một bức tranh đang còn nhiều thách thức?
Ông Dương Quốc Tuấn: Trước muôn vàn khó khăn từ trong và ngoài nước, giải pháp cần thiết nhất để nhôm Việt Nam bảo vệ và khẳng định được vị thế của mình chính là đoàn kết, phối hợp và thông tin chặt chẽ với Hội.
Các doanh nghiệp nhôm cần không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, quan tâm tới các yếu tố được các thị trường khó tính đánh giá cao như vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho người lao động.
Nếu làm tốt được những việc trên, tôi tin tưởng rằng ngành nhôm Việt Nam sẽ vững vàng trước mọi sóng gió, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường.
– Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Mai Linh/Reatimes