Trước tình trạng dư thừa nguồn cung trong nước và bị nhiều nước đánh thuế chống bán phá giá, trong đó có Việt Nam, nhôm Trung Quốc đang tìm cách “rửa nguồn” để lách luật, gây lo ngại cho các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt Nam.
Doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt Nam lo lắng
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (Hiệp hội Nhôm Việt Nam) cho biết, những năm gần đây, ngành nhôm Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thừa cung, chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm do giá lao động tăng, các quy định về môi trường và thuế chống bán phá giá của một số nước nhập khẩu.
Do đó, doanh nghiệp nhôm Trung Quốc đang có xu hướng di dời các nhà máy sản xuất sang Malaysia để xuất khẩu sang các nước khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại một số nước, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về vấn đề này, đại diện Bộ Công thương cho biết: “Sau khi Bộ Công thương có quyết định áp thuế chống bán phá giá với hàng nhôm thanh định hình nhập khẩu từ Trung Quốc, chúng tôi có nhận được một số thông tin về việc bắt đầu có tình trạng nhôm nhập khẩu từ thị trường Malaysia tăng lên. Nhà xuất khẩu là doanh nghiệp ở Malaysia, nhưng có vốn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc cấp CO (giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa), CQ (giấy chứng nhận chất lượng) của họ là hoàn toàn đúng. Vì nguyên liệu cũng từ Malaysia”.
Theo vị này, số lượng nhôm nhập khẩu từ thị trường Malaysia sau khi quyết định áp thuế chống bán phá giá có hiệu lực (tháng 10/2019) cũng không tăng đột biến. Hiện, đang dao động trung bình khoảng 400 – 500 tấn/tháng.
Sẽ theo dõi chặt
Trước nguy cơ nhôm Trung Quốc rửa nguồn từ nước khác để vào Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá, ngày 14/1/2020, Hiệp hội Nhôm Việt Nam đã có buổi làm việc với Cục Xuất nhập khẩu và Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) về tình hình xuất nhập khẩu và các hoạt động phòng vệ thương mại đối với ngành nhôm Việt Nam.
Tại cuộc họp, các chuyên gia, cơ quan quản lý đã đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nhôm trong nước cần có những lưu ý về CO, CQ khi nhập khẩu nhôm, đặc biệt là nhôm từ Malaysia để tránh tiếp tay cho những hoạt động lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và hạn chế rủi ro, thiệt hại khi xuất khẩu sang các nước đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhôm Trung Quốc.
Đồng thời, đại diện Bộ Công thương và Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã bàn bạc, đưa ra những định hướng nhằm tăng cường các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Sau cuộc họp trên, ngày 17/1/2020, Hiệp hội Nhôm Việt Nam đã có Văn bản số 03/CV-VAA về việc thông tin cảnh báo thị trường xuất khẩu nhôm năm 2020 đến các hội viên. Văn bản đề nghị các hội viên tham gia theo dõi thị trường, kịp thời cung cấp thông tin, bằng chứng, dấu hiệu gia tăng đột biến lượng nhôm thanh định hình nhập khẩu từ Malaysia vào Việt Nam và dấu hiệu bán phá giá mặt hàng này để xem xét khởi kiện chống bán phá giá nhằm bảo vệ ngành sản xuất nhôm trong nước.
Theo Hiệp hội Nhôm Việt Nam, nhôm Trung Quốc đang có dấu hiệu “rửa nguồn” qua Malaysia để vào Việt Nam.
Về phía Bộ Công thương, đại diện Bộ cho biết, sẽ theo dõi tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh ngành nhôm và định kỳ thực hiện đánh giá hiệu quả của quyết định áp thuế chống bán phá giá hàng quý để đưa ra những nhận định, cảnh báo cho ngành.
Đồng thời, đại diện Bộ Công thương yêu cầu Hiệp hội Nhôm Việt Nam tích cực phối hợp, cung cấp thông tin thị trường và hoạt động xuất nhập khẩu trong ngành cho các cơ quan liên quan như: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Thuế để tăng cường quản lý, phát hiện và ngăn ngừa các hoạt động nhập lậu, trốn thuế, lần tránh biện pháp phòng vệ thương mại…, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp chân chính, góp phần phát triển ngành sản xuất nhôm trong nước.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Dương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết, quyết định chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc của Bộ Công thương (Quyết định 1480/QĐ-BCT) có tác dụng tốt cho thị trường nhôm trong nước. Tuy nhiên, có những đơn vị lợi dụng để lách quyết định này, nhưng vì thời gian áp dụng cũng mới (từ tháng 10/2019) và đến thời điểm này, nhu cầu thị trường chưa cao, nên chưa bộc lộ rõ.
“Trước mắt, chúng tôi phối hợp với các cơ quan quản lý như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải Quan, Tổng cục Quản lý thị trường để kiểm soát hoạt động nhập hàng hóa qua biên giới. Năm 2019 vừa qua, chúng tôi rất mừng vì được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc điều tra và ban hành quyết định chống bán phá giá với mặt hàng nhôm Trung Quốc. Đây là một động thái mà Chính phủ làm đúng hướng, bảo vệ cho ngành nhôm trong nước có hàng nghìn người lao động đang phải phụ thuộc theo”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, tới đây, Hiệp hội sẽ bám sát hơn để ngăn chặn và hạn chế hành động lách quyết định chống bán phá giá. Bởi nhôm Trung Quốc có thể thông qua một số doanh nghiệp thương mại trong nước để “rửa nguồn”, thay vì xuất xứ Trung Quốc, thì thành xuất xứ Việt Nam. Đây cũng là một nguy cơ rất cao ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bằng chứng là năm 2019, Mỹ đã điều tra và phát hiện ra Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu ở Vũng Tàu “rửa nguồn” nhôm Trung Quốc thành nhôm Việt Nam để xuất sang Mỹ. Điều này ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam nói chung và ngành nhôm Việt Nam nói riêng.
“Tôi cho rằng, qua bài học đó, Chính phủ cũng như các cơ quan, ban ngành sẽ có biện pháp giám sắt chặt chẽ. Ngoài ra, Hiệp hội sẽ trực tiếp vận hành cùng với doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan ban ngành để hạn chế, ngăn chặn các nguy cơ. Chúng tôi cũng có các văn bản kiến nghị lên Bộ Công thương, Tổng cục Hải Quan là hai đơn vị giám sắt chặt việc thương mại ở biên giới”, ông Tuấn cho biết thêm.
Trong khi đó, đại diện Bộ Công thương cho biết: “Bộ đã có thông báo đến Hiệp hội Nhôm Việt Nam, để đơn vị này phối hợp theo dõi xem việc nhập khẩu nhôm có xu hướng như thế nào. Nếu việc nhập khẩu này gia tăng và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, thì làm việc với các quan chức năng liên quan để trao đổi, tìm biện pháp xử lý. Còn nếu chỉ gia tăng trong vòng 1 tháng với một đến hai trường hợp và sau đó bình thường thì cũng không sao. Chúng tôi cũng trao đổi lại một số doanh nghiệp và họ phản ánh cũng chưa thấy có gì biến động quá bất thường trên thị trường, nên hiện giờ chúng tôi vẫn đang theo dõi”.
Nguồn: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/kien-truc/doanh-nghiep-viet-voi-noi-lo-nhom-trung-quoc-rua-nguon-232623.html