Xem thêm

    Công ty trong nghi vấn gian lận xuất xứ hơn 4,3 tỉ USD nhôm và mối quan hệ với ‘vua nhôm’ Trung Quốc

    Chỉ mới vào đầu tháng 10 này, hàng nghìn tỉ đồng vốn điều lệ đăng kí của công ty trong nghi vấn gian lận xuất xứ hơn 4,3 tỉ USD nhôm từ Trung Quốc được chuyển sang cho một công ty có trụ sở tại thiên đường thuế Virgin Islands.

    Mới đây báo chí đưa tin về vụ việc một công ty tại Việt Nam nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh đùn, nhôm thành phẩm từ Trung Quốc vào Việt Nam, để nhằm đưa sản phẩm xuất đi Mỹ nhằm trực lợi chính sách về thuế xuất.

    Dân Trí dẫn thông tin từ tiết lộ của Hải quan cũng như báo giới Mỹ cho biết số nhôm khổng lồ này liên quan trực tiếp đến Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

    Thay đổi vốn góp từ thiên đường thuế

    Theo tìm hiểu của người viết, công ty nhôm này có tên đầy đủ là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, tên tiếng nước ngoài là Global Vietnam Aluminium Company Limited (viết tắt là GVA), được thành lập ngày 8/8/2011 với trụ sở chính tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 – Conac, xã Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp này là chỉ duy nhất là Sản xuất nhôm định hình, nhôm anod hóa.

    Giấy phép đăng kí kinh doanh năm 2016 cho thấy GVA có vốn điều lệ 1.025 tỉ đồng và đều do người nước ngoài đứng tên sở hữu. Cụ thể cá nhân tên Jacky Cheung và Wang Tong (cùng quốc tịch và nơi đăng kí hộ khẩu tại Australia) nắm lần lượt 10% và 90%. Dù với tỉ lệ góp ít hơn nhưng Jacky Cheung (sinh năm 1981) giữ vai trò Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật

    Đến tháng 1/2018, công ty tăng vọt vốn điều lệ đăng kí lên hơn 4.978 tỉ đồng, tỉ lệ sở hữu của hai cá nhân trên giữ nguyên.

    Tuy nhiên giấy phép thay đổi mới đây vào đầu tháng 10/2019, toàn bộ hơn 4.480 tỉ đồng vốn đăng kí sở hữu của Wang Tong (chiếm tỉ lệ 90% vốn điều lệ GVA) được chuyển sang cho Công ty Triple Wins Globals có trụ sở đăng kí kinh doanh tại thiên đường thuế Virgin Islands.

    Đáng chú ý, việc thay đổi này chỉ diễn ra trước vài ngày khi Hải quan Việt Nam đang tiến hàng tạm giữ lô nhôm trị giá 4,3 tỉ USD mà công ty này nhập từ Trung Quốc.

    Trên website của Nhôm Toàn Cầu Việt Nam cho biết nhà máy của công ty rộng 40 ha với công nghệ và thiết bị hiện đại khẳng định vị thế trong ngành khi là nhà máy nhôm lớn nhất Việt Nam và một trong những nhà máy lớn nhất Đông Nam Á.

    Không những vậy, công ty này còn quảng bá họ có công nghệ mới nhất trong ngành nhôm để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, với xưởng đúc riêng, lò nung nghiêng và hệ thống chế tạo phôi cho nhiều loại hợp kim; hay qui trình khử khí, tinh luyện hạt… Hay đội ngũ kĩ thuật sản xuất cho phép công ty cung cấp sản phẩm “chất lượng tốt nhất trong thời gian ngắn ngủi”.

    Mối quan hệ mật thiết với “vua nhôm” Trung Quốc

    Theo trang một chuyên trang về nhôm aluminiuminsider, China Zhongwang, công ty có trụ sở tại Liêu Ninh (Trung Quốc), được xác định là đứng sau vụ khoảng 4,3 tỉ USD nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam xuất đi Mỹ.

    Công ty, được biết đến là nhà sản xuất nhôm công nghiệp lớn thứ hai thế giới, lớn nhất tại châu Á và thuộc sở hữu của tỉ phú Liu Zhongtian (Lưu Điền Trung), còn được biết đến là “vua nhôm” Trung Quốc, trước đó cũng đã bị cáo buộc xuất khẩu phôi nhôm đã hoàn thành một nửa sang Mexico hoặc Việt Nam, đúc lại và sau đó bán chúng như nhôm thô để né thuế xuất khẩu khỏi Trung Quốc và thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

    Cụ thể, nguồn tin từ Wall Street Journal cho biết năm 2016, một cuộc điều tra chỉ ra 1 triệu tấn nhôm, tương đương 6% sản lượng nhôm của thế giới, được phát hiện cách đó hai năm tại sa mạc Mexico thuộc sở hữu của China Zhongwang.

    Sau đó 500.000 tấn nhôm trong số này đã được vận chuyển tới một cảng Vũng Tàu, Wall Street Journal trích dẫn số liệu ghi chép vận tải và nguồn thạo tin.

    Số hàng tồn kho tại Mexico được chuyển sang Việt Nam đã trở thành đối tượng theo dõi của Wall Street Journal nhằm tìm ra mối tương quan của số kim loại trên và một trong những người giàu nhất Trung Quốc, ông Lưu Điền Trung.

    Theo tìm hiểu của Wall Street Journal, Global Vietnam Aluminium Co Ltd hay Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam, nơi lưu trữ 500.000 tấn nhôm được chuyển từ Mexico, có liên quan tới gia đình ông Lưu.

    Nguyên nhân là đồng sở hữu của công ty là ông Jacky Cheung, một đối tác làm ăn của ông Lưu.

    Ông Jacky Cheung cũng nắm cổ phần Công ty Perfectus Aluminum trước đó do con trai ông Lưu thành lập.

    Kho nhôm của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam. (Nguồn: WSJ)
    Kho nhôm của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam. (Nguồn: WSJ)

    Hành trình của lô hàng từ Mexico đến Việt Nam trùng hợp với sự gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam từ hai quốc gia khác là Trung Quốc và Mỹ, thông qua các cảng gần các doanh nghiệp liên kết với ông Liu.

    Đơn cử, 65% xuất khẩu nhôm định hình của Mỹ đã sang Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016, so với 3% trong năm 2015, theo GTIS.

    Hồ sơ nhập khẩu của Việt Nam cho thấy một lượng đáng kể nhôm nhập khẩu từ Mỹ trong năm 2016 đến từ Perfectus Aluminium Inc.

    Kể từ năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn nhôm định hình trị giá 5 tỉ USD đã xuất khẩu sang Việt Nam từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ, theo GTIS.

    Nhập khẩu nhôm của Việt Nam từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ tăng vọt giai đoạn 2013 - 2016. Đơn vị tính: Tấn. (Nguồn: WSJ)
    Nhập khẩu nhôm của Việt Nam từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ tăng vọt giai đoạn 2013 – 2016. Đơn vị tính: Tấn. (Nguồn: WSJ)

    Một chuyên gia phân tích về nhôm tại CRU Group (London) đã nhận định khối lượng trên là rất lớn, với ước tính Việt Nam trữ khoảng 14% tổng tồn kho nhôm toàn cầu.

    Ông cũng nhấn mạnh nếu lượng hàng trên được chuyển đến các thị trường khác sẽ gây ra tác động lớn lên giá.

    Phần lớn trong 1,7 triệu tấn được xuất sang Việt Nam đã đi qua khu phức hợp gần biển tại Vũng Tàu, vị chuyên gia dẫn chứng bằng cách bức ảnh vệ tinh cho thấy khối lượng tồn kho khổng lồ.

    Kho chứa nhôm của GVA cách cảng Sài Gòn 70 km, cảng Phú Mỹ 9 km, cảng Thị Vải 5 km, cách sân bay Tân Sơn Nhất 70 km, sân bay Long Thành 20 km. (Nguồn: ảnh chụp màn hình Google map)
    Kho chứa nhôm của GVA cách cảng Sài Gòn 70 km, cảng Phú Mỹ 9 km, cảng Thị Vải 5 km, cách sân bay Tân Sơn Nhất 70 km, sân bay Long Thành 20 km. (Nguồn: ảnh chụp màn hình Google map)

    Vũng Tàu là cảng vận chuyển chính của Công ty Nhôm Toàn Cầu, đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể xử lí lượng hàng lớn như vậy, theo ông Jorge Vazquez, nhà sáng lập của Harbor Aluminum Intelligence chuyên nghiên cứu về thị trường nhôm toàn cầu.

    Một lượng lớn nhôm nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Gần như toàn bộ nhôm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đến từ tỉnh Liêu Ninh, trụ sở chính của China Zhongwang, ông Boyden Gray, cựu đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) và là đồng sáng lập của Boyden Gray & Associates, cho biết.

    Rõ ràng số nhôm công ty Nhôm Toàn cầu lưu trữ do China Zhongwang sản xuất”.

    – Ông Boyden Gray, cựu đại sứ Mỹ tại EU và là đồng sáng lập của Boyden Gray & Associates –

    Về vua nhôm Trung Quốc, tờ Daily Mail của Anh dẫn tin từ Wall Street Journal cho biết vào tháng 7, ông Lưu Điền Trung bị truy tố tại Mỹ vì trốn thuế nhập khẩu 2 tỉ USD.

    Các công tố viên nói rằng ông Lưu đã thực hiện kế hoạch buôn lậu lớn từ năm 2008, ông trốn thuế bằng cách vận chuyển nhôm thô vào Mỹ dưới dạng pallet, một thành phẩm không nằm trong danh sách các mặt hàng bị Mỹ đánh thuế.

    Ông Lưu Trung Điền đối mặt với tội danh lừa đảo và rửa tiền quốc tế với mức án tối đa lên đến 465 năm tù giam.

    Ông Lưu Điền Trung và kho nhôm của công ty China Zhongwang. (Ảnh: Daily Mail)
    Ông Lưu Điền Trung và kho nhôm của công ty China Zhongwang. (Ảnh: Daily Mail)

    Nhôm Toàn Cầu Việt Nam bị điều tra từ nhiều năm qua

    Hồi giữa tháng 6/2017, Chính phủ Việt Nam cũng đã thông báo ngừng cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá đối với sản phẩm nhôm của Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam sau khi nhập khoảng 1,5 triệu tấn nhôm (chủ yếu là nhôm định hình từ Trung Quốc) về Việt Nam.

    Theo PLO năm 2017, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra làm rõ mô hình kinh doanh của Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam. Bởi việc nghi ngờ công ty trên lập kho nhôm lớn ở VN bắt nguồn từ mục đích lách thuế là có cơ sở.

    TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Nhôm – Titan (Vinacomin), cũng từng nêu quan điểm rằng bản chất của việc xây dựng kho nhôm của GVA có thể đón Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để núp bóng xuất khẩu qua Mỹ và các nước khác nhằm hưởng thuế ưu đãi.

    Trước những nguy cơ gian lận xuất xứ, mới đây ngày 28/9, Bộ Công Thương có Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc.

    Mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,49% đến 35,58%.

    (Nguồn: Bộ Công thương).
    (Nguồn: Bộ Công thương).

    Theo Bộ Công thương, năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 62 nghìn tấn, gần gấp đôi lượng nhập năm 2017.

    Số liệu này chưa bao gồm lượng lớn nhôm nhập khẩu vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến 2018 chỉ còn chưa đến 5 nghìn tấn.

    (Nguồn: Bộ Công thương).
    (Nguồn: Bộ Công thương).

    Cũng trong năm 2018, Mỹ đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam.

    Kết luận sơ bộ của vụ việc này vừa được công bố giữa năm nay cho thấy sản phẩm nhôm đùn ép của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc trước đó.

    Chính vì vậy, Mỹ tuyên bố áp thuế suất lên tới 374,15% đối với các sản phẩm này của Việt Nam. Đáng lưu ý, trong số sản phẩm nhôm đùn xuất xứ từ Việt Nam bị kết luận là lẩn tránh thuế có một số mã HS thuộc phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo Quyết định 2942/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.

    Nguồn tin: https://vietnambiz.vn/cong-ty-trong-nghi-van-gian-lan-xuat-xu-hon-43-ti-usd-nhom-va-moi-quan-he-voi-vua-nhom-trung-quoc-20191031023941551.htm