Sự đi xuống của thị trường bất động sản sẽ có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh nhôm trong nước do các dự án xây dựng vẫn là đối tượng khách hàng chính của các doanh nghiệp sản xuất hệ nhôm nội.
Theo các chuyên gia về xây dựng, trên thế giới, sản phẩm nhôm kính cao cấp được ưa chuộng sử dụng khá nhiều trong kiến trúc, nhất là trong việc chống nắng, bảo vệ công trình hay những công trình đòi hỏi cao về kết cấu nhưng có định hình phức tạp mà vật liệu thép không thể đáp ứng được. Các hệ chắn nắng làm bằng nhôm có ưu điểm là nhẹ, thi công nhanh, thoáng về mặt thị giác, dễ bảo dưỡng, sửa chữa, tạo nên tính đa dạng về hình thức và chất cản vật liệu cho mặt đứng công trình. Bởi vậy mà hiện nay, vật liệu nhôm đã và đang được sử dụng nhiều tại các công trình xây dựng bao gồm cả dự án và nhà riêng. Tất yếu, sự vận động của thị trường bất động sản cũng sẽ tác động đến kể đến các doanh nghiệp sản xuất hệ nhôm nội.
Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Austdoor, Phó Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam.
PV: Ông nhận định như thế nào về vai trò của nhôm nói riêng và VLXD của Việt Nam đối với thị trường bất động sản?
Ông Dương Quốc Tuấn:Thị trường bất động sản khôi phục trong những năm gần đây là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, trọng đó có vật liệu nhôm. Với nhiều đặc tính ưu việt, lượng tiêu thụ vật liệu nhôm trong nước tăng trung bình từ 15 đến 20% mỗi năm.
Nếu sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, các doanh nghiệp nhôm nói riêng và các doanh nghiệp VLXD Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể tự tin trước các đối thủ nước ngoài. Việc sử dụng các mặt hàng sản xuất có thương hiệu trong nước sẽ giúp cho các chủ đầu tư tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, đảm bảo chất lượng, là điều kiện tốt thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.
PV: Thị trường bất động sản đang được dự báo sẽ kém sôi động hơn trước. Điều này có ảnh hưởng tới VLXD nói chung và lĩnh vực nhôm nói riêng?
Ông Dương Quốc Tuấn: Sự phát triển của thị trường bất động sản có tác động rất lớn tới các hoạt động sản xuất VLXD, trong đó có ngành nhôm. Đây là mối quan hệ tác động qua lại chặt chẽ giữa cung và cầu. Thị trường bất động sản hạ nhiệt sẽ làm giảm đáng kể lượng tiêu thụ của ngành VLXD.
Dưới góc nhìn của ngành nhôm, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đánh giá, sự kém sôi động của thị trường bất động sản sẽ có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh nhôm trong nước do các dự án xây dựng bất động sản vẫn là đối tượng khách hàng chính của các doanh nghiệp Hội viên.
PV: Tác động của bức tranh thị trường bất động sản kém tươi sáng đến ngành nhôm được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Quốc Tuấn: Hiện nay, ngành nhôm Việt Nam đang cung cấp cho thị trường 2 dòng sản phẩm chính: Một là nhôm xây dựng (nhôm thanh định hình) dùng làm khung cửa, khung vách dựng, nan chớp, nan cửa cuốn… Đây là nhóm sản phẩm chính của ngành nhôm.
Hai là nhôm công nghiệp thuộc ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất lịnh kiện, phụ kiện cho là các nhà máy sản xuất ô tô, máy tính, thiết bị điện tử… Nhóm này tuy có nhiều doanh nghiệp hoạt động song sản lượng nhôm còn thấp. Vì vậy, những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ chi phối tình hình phát triển của thị trường nhôm trong nước.
PV: Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành nhôm, chủ trương của Nhà nước luôn kỳ vọng nhôm Việt sẽ thực sự khẳng định được vị thế của mình. Nhưng không thể phủ nhận được rằng, những thách thức mà nhôm Việt đang phải đối mặt là không hề nhỏ, nhất là trước sự xuất hiện của nhôm ngoại. Đâu là giải pháp để giúp nhôm Việt có chỗ đứng vững trên thị trường bất động sản?
Ông Dương Quốc Tuấn:Hiện tại, Hiệp hội Nhôm đang xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng đối cho các mặt hàng nhôm Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn Quốc tế. Bộ tiêu chuẩn chất lượng được kỳ vọng sẽ trở thành định hướng chất lượng sản phẩm chung của các hội viên, tạo ra những sản phẩm ưu việt có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Eu, Nhật Bản…
Song song với đó, Hiệp hội cũng có các kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan về việc điều chỉnh các chính sách thuế, tham mưu các biện pháp hỗ trợ đầu tư, phối hợp điều tra và thông tin kịp thời về các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường trong nước; đặc biệt là thực hiện các biện pháp chống bán phá giá đối với nhôm có xuất xứ Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh sản xuất và phân phối nhôm trong nước.
Bên cạnh việc đoàn kết, phối hợp và thông tin chặt chẽ giữa các hội viên, chúng tôi định hướng và tạo điều kiện hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, quan tâm tới các yếu tố được các thị trường khó tính đánh giá cao như vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho người lao động thông qua các hoạt động Hội thảo, diễn đàn, các chương trình đào tạo.
Trong thời gian tới, hội sẽ có các chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá năng lực của từng hội viên để kịp thời đưa ra những phương án chung và phương án cụ thể cho từng doanh nghiệp, phấn đấu xây dựng thị trường nhôm Việt Nam phát triển đa dạng, lành mạnh và toàn diện.
– Cảm ơn chia sẻ của ông!
Theo Nhật Minh
Nguồn tin: http://reatimes.vn/nhom-viet-ve-dau-khi-thi-truong-bat-dong-san-kem-soi-dong-20191102200220667.html