Xem thêm

    Lợi bất cập hại khi lạm dụng vật liệu kính trong xây dựng

    Không phủ nhận, kính là loại vật liệu không thể thiếu trong các công trình xây dựng. Cùng với những loại vật liệu thông dụng như gỗ, sắt, nhôm… kính là một trong những sản phẩm được lựa chọn nhiều nhất tại mỗi công trình, đặc biệt là các công trình cao tầng.

    Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên nhiều chủ công trình đang lạm dụng vật liệu này, gây ra những phiền toái, hệ lụy không đáng có.

    Tòa nhà Risemount Apartment Đà Nẵng ốp kính vàng cả 4 mặt, gây lóa mắt người dân. Ảnh: Quang Hải.
    Tòa nhà Risemount Apartment Đà Nẵng ốp kính vàng cả 4 mặt, gây lóa mắt người dân. Ảnh: Quang Hải.

    Gần đây, trên phương tiện truyền thông thông tin nhiều về việc người dân tại một số đô thị phản ánh về việc cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng do phải “hứng chịu” ánh sáng phản chiếu từ mặt kính của các tòa nhà cao tầng. Đáng chú ý, trong tuần vừa qua, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã có công văn đề nghị hạn chế tối đa sử dụng kính màu nóng, không sử dụng các loại kính có hệ số phản quang lớn. Nguyên nhân do thời gian qua, tòa nhà Risemount Apartment cao 30 tầng tại đường Như Nguyệt (quận Hải Châu) trong quá trình hoàn thiện đã sử dụng toàn bộ kính cường lực, bề ngoài được phủ một lớp màu vàng phản quang cả ở 4 mặt toà nhà. Độ phản quang mạnh, chiếu trực tiếp vào nhà người dân và các cơ quan ở khu vực lân cận đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, công việc.

    Thực tế, kính xây dựng là loại vật liệu hội tụ đủ các yếu tố của một vật liệu xây dựng hiện đại, sang trọng và dễ dàng thi công, có tính thẩm mỹ, độ an toàn cao, phù hợp cho việc thiết kế không gian mở. Vì thế, những không gian có hạn chế về diện tích, nhất là tại các đô thị rất ưa chuộng sử dụng loại vật liệu này. Tuy nhiên, việc lạm dụng vật liệu kính tại các công trình cây dựng hoặc sử dụng các loại kính xây dựng có độ phản quang cao sẽ mang lại nhiều hệ quả. Trước hết, đối với chính các công trình, nếu không được lắp đặt theo đúng quy chuẩn kỹ thuật sẽ gây ra hiệu ứng nhà kính, năng lượng tiêu thụ tại toà nhà lớn.

    Đối với người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc phản quang ánh sáng từ mặt kính của tòa nhà không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ánh sáng không cần thiết và thiết kế thiếu hợp lý là một dạng ô nhiễm ánh sáng gây ra những tác hại đến sức khỏe và làm mất cân bằng của môi trường. Ô nhiễm ánh sáng không kém gì ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn… đang âm thầm tác động đến cuộc sống, nó chính là “sát thủ” thị lực đáng sợ nhất của con người và các loài sinh vật. Bởi các nguồn sáng có cường độ cao sẽ ảnh hưởng đến mắt do tác động nhiệt, xảy ra khi nhiệt độ hấp thụ tăng cao hơn nhiệt độ phân tán (thường là 10oC). Nếu thời gian và cường độ tác động đến các tế bào trong võng mạc vượt qua ngưỡng phục hồi sẽ gây các tổn thương ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân.

    Theo các chuyên gia xây dựng, dường như thời gian qua, việc cấp phép xây dựng chỉ chú tâm đến thiết kế và chất lượng kính của công trình, chưa quan tâm đến mức độ phản quang hay tỷ lệ sử dụng kính xây dựng. Do đó, đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải có quy định rõ ràng về mức độ phản quang và tỷ lệ diện tích được sử dụng kính xây dựng tại các công trình cao tầng, hợp lý nhất là mỗi công trình chỉ nên được từ 30 – 60% diện tích lắp kính xây dựng, vừa bảo đảm an toàn của các công trình và không ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.

    Nguồn bài viết: http://kinhtedothi.vn/lam-dung-vat-lieu-kinh-trong-xay-dung-loi-bat-cap-hai-376591.html