Hiện một số công ty nhập khẩu nhôm thanh định hình hoặc mua lại từ các công ty nhập khẩu nhôm Trung Quốc để đang bán ở thị trường Việt Nam với giá rất thấp (khoảng 63.000 – 70.000 đồng/kg), dưới mức giá sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước phải giảm sản lượng hoặc sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường nhôm trong nước, nhiều công nhân ngành nhôm mất việc làm gây tâm lý lo ngại, kéo theo những hệ lụy về lao động, xã hội.
Không chỉ vậy, theo phản ánh từ các doanh nghiệp thuộc Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, mức giá bán trên còn thấp hơn mức giá sàn mà Tổng cục Hải quan đang áp cho mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc là 3,99 USD/kg (tương đương 92.600 đồng/kg). Đồng thời còn xảy ra hiện tượng trốn lậu thuế với quy mô lớn, tổ chức bài bản.
Lực lượng chức năng chống gian lận thương mại cũng đang nghi vấn về việc mặt hàng nhôm thanh định hình đã được đưa vào trong nước theo các con đường tiểu ngạch, nhập lậu để trốn tránh việc áp thuế chống bán phá giá hoặc các doanh nghiệp cố tình không xuất hóa đơn khi bán ra trong nội địa để trốn thuế giá trị gia tăng nhằm phá giá thị trường.
Mới đây, Tổng cục Hải quan cùng các cơ quan chức năng đã phát hiện vụ việc có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay với tổng số nhôm tồn kho tại Bà Rịa – Vũng Tàu có giá trị khoảng 4,3 tỷ USD (đang nằm chờ xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và một số thị trường khác).
Theo đó, doanh nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu nhập khẩu hàng tỷ USD mặt hàng nhôm từ Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam chờ xuất sang Mỹ nhằm thu lợi do sự chênh lệch về thuế quan. Nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Vụ kho nhôm 4,3 tỷ USD là điển hình của việc Việt Nam dễ bị “lợi dụng” nếu nhà chức trách không quyết tâm, gắt gao với các hành vi gian lận.
Trước thực trạng trên, để thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành nhôm trong nước, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1480/QĐ-BCT ngày 29/5/2019 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo đó, áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm nhập khẩu vào Việt Nam và được phân loại theo mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.29.90, có xuất xứ từ nước Trung Quốc, với mức thuế từ 2,46% đến 35,58%, thay đổi tùy theo công ty sản xuất.
Phía Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu tất cả các Cục Hải quan gồm các cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không, tăng cường công tác giám sát hoạt động xuất nhập khẩu nhằm chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ các đối tác khác và bảo vệ hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.